top of page
Writer's pictureĐào Mai Huy Vũ

Trải nghiệm Hầm Hô - Tây Sơn


Xin chào mọi người,


Trước khi biển đảo của Quy Nhơn trở thành "cơn sốt" như hiện nay thì du khách đến với Quy Nhơn - Bình Định thường phải đi nơi này đầu tiên: thắng cảnh Hầm Hô, Tây Sơn. Trải qua bao năm tháng, địa danh này vẫn giữ được cho mình một vị trí trong trái tim của khách du lịch Tây Sơn - Bình Định vì vẻ đẹp rất riêng, rất độc đáo.


Cách thành phố Quy Nhơn hơn 50km về phía Tây Bắc, nói về Hầm Hô của Tây Sơn là nói về một tuyệt tác danh lam thắng cảnh mang trong mình sự khéo léo, tinh tế của đất trời tạo ra. Đây là nơi có một vùng sinh thái gồm hệ thống suối, sông, hồ, thác, lạch đan xen, trải dài giữa cánh rừng hạ lưu sông Kút - sông Kôn Đến với Hầm Hô chúng ta lại thấy đúng:


"Hầm Hô nước chảy trong xanh

Dưới sông cá lội, trên cành chim reo"


Cái tên "Hầm Hô" thoáng nghe có vẻ không hay cho lắm nhưng ẩn sau cái tên gọi dân dã đó là một câu chuyện đáng để nhắc tới. Theo truyền miệng địa phương, nhắc đến câu hỏi tại sao lại đặt tên là "Hầm Hô" thì có nhiều phiên bản. Một là vì nơi này có một con thác cao 6-7m, nhưng xung quanh bốn bề lại là vách đá che khuất nên giống như một cái hầm. Nước chảy xuống thì lại tạo ra tiếng kêu ồ ồ rất đặc trưng, như một lời nhắc chừng cho những người chèo thuyền trên sông biết mà cẩn thận. Còn ở phiên bản thứ hai đó là vì tại nơi miệng hầm đá nhọn lởm chởm, hòn thì đứng, nằm rồi nghiêng đủ tư thế cứ như một hàm răng không được đẹp. Người dân vui tánh gọi là "Hầm răng hô" nhưng rồi cũng gọi tắt thành "Hầm Hô" cho tiện miệng. Ở phiên bản phổ biến nữa thì người dân tương truyền rằng vào những tháng nóng nực nhất, khi mà vạn vật đều đang cần một cơn mưa thì ở hầm đá này phát ra tiếng kêu rất lạ tựa muôn người hô hoán. Đó là dấu hiệu cho thấy, chỉ không lâu sau trời sẽ đổ mưa giông. Người dân gọi đây là "Hầm Hô thạch trụ" với chữ "Hô" trong "Hô phong hoán vũ"!

Theo nhà báo Quách Tấn miêu tả: "Nước tuôn xuống hầm rồi chảy ra hai "lỗ cống" ở dưới đáy, thành hai ngọn lạch, cuồn cuộn quanh co chừng vài ba chục thước vuông và sâu độ bốn, năm thước, mây sóng chập chờn. Suối này thấp hơn suối trên. Nhưng cũng như suối kia lòng ngổn ngang đá, bờ chập chồng đá. Từ trên xuống dưới đá nối tiếp nhau, nơi lồi nơi lõm, chỗ thấp chỗ cao, đưa mắt tổng quát mà nhìn không phân biệt được suối trên suối dưới.

Cảnh tượng thật kỳ dị.


Hai dãy núi chạy dọc hai bên bờ, dài có đến ba cây số, đường đá chập chùng. Nơi thì chớm nở như gươm dựng, nơi thì chồng chất lên nhau thành đống, nơi lại dựng đứng như vách tường. Khí thế hùng hiểm.


Sườn non đã cao, lòng suối lại rộng. Nơi rộng nhất cũng đến 25, 30 thước. Nơi hẹp nhất không dưới mười thước. Và không mấy nơi không có đá. Đá nằm dọc nằm ngang… Hòn lớn, hòn nhỏ. Hòn thì vuông vức, hòn thì tròn trịa, hòn thì méo mó, xiêu vẹo… Thiên hình vạn trạng, quái quái kỳ kỳ. Đây là bầy voi tắm, kia là đoàn ngựa đua, kìa là con cá sấu đương há miệng chờ mồi… Rồi con ba ba cong cổ uống nước, bàn cờ tiên với nét chữ điền chữ khẩu rêu đóng lờ mờ, lò nấu rượu với chum đựng bã đựng hèm, bọt tràn lã chã. Lại có nồi nấu cơm, ấm pha trà, chén ăn, bát đựng, cái dĩa, đôi đũa… Vật dụng trong nhà ở đây đều có đủ. Lại thêm nơi xưa ông Khổng Lồ ngồi câu, dấu chân in đá; bà Hạ Tiên Cô nằm nghỉ mát, nách đá còn hang. Có mà không, không mà có, nửa thực nửa hư…


Những khi bóng chiều gần khuất, sương mai chưa tan, trong khoảng nửa tỏ nửa mờ, phong cảnh Hầm Hô trông vừa tú vỹ vừa kỳ ảo!"

Suối Hầm Hô rất nhiều cá. Nhất là mùa gió Nam, mùa nước lụt, cá sông về nguồn đẻ, dồn vào đây lại càng nhiều. Từng bầy kéo vào suối trông "đặc cả nước", rồi đua nhau "bay" lên ngọn thác Hầm Hô mà về nguồn. Do đó Hầm Hô còn có tên nữa là "Thác Cá Bay". Gọi là "bay" bởi thác cao, nước mạnh, nếu không "bay" thì làm sao lên cho nổi.


Truyền rằng mỗi năm Long Vương mở hai kỳ thi lớn, cá sông Côn phải vào Hầm Hô để thi. Những con nào vượt qua khỏi thác thì được hóa rồng. Con nào rớt thì phải đọa. Cho nên thác Hầm Hô còn có tên nữa là "Vũ Môn". Cá bay lên Vũ Môn từng đoàn. Những con "thi rớt" nước đánh rơi xuống lã chã như mưa đá. Người địa phương đương giỏ tre treo quanh miệng hầm để hứng. Có ngày hứng được hàng gánh cá.


Bởi vậy vào chơi Hầm Hô thì nên vào tiết gió Nam thổi, và nên tổ chức trước. Du khách sẽ vừa được thưởng thức những cảnh tượng hùng kỳ mỹ ảo, vừa được nếm qua hương vị của con cháu Long Vương ban cho người thế tục, hương vị của người tục mà thật tiên, tiên trong trần thế vậy.

Sau những giờ phút chiêm ngưỡng vẻ đẹp của thiên nhiên và thư giãn trên sông Kút thì chúng ta có thể trải nghiệm các món ăn độc đáo ở đây. Ở nhà hàng Hoa Lộc Vừng chúng ta phải thử qua món: cá mương chiên cuốn bánh tráng rau rừng, chim mía roti, cá bống sôn Kôn... Ngoài ra còn các món rau trộn, gà nhiều món, bò, nai nấu nhiều kiểu... cũng rất đáng để thử qua. Mỗi món ăn đều mang đậm chất địa phương và là món quà từ thiên nhiên ban tặng.

Ngày nay, đến với khu du lịch sinh thái Hầm Hô, các bạn còn có thể tham gia các hoạt động vui chơi khác như câu cá, chèo thuyền, xem ca múa nhạc võ Tây Sơn, cắm trại qua đêm... rất đa dạng. Đến với Hầm Hô chúng ta sẽ được hòa mình vào thiên nhiên đất trời mà quên đi cái ưu lo nhiễu nhương trong cuộc sống.


Video dưới đây là trải nghiệm đi đò trên sông Kút của du khách. Bài viết có sử dụng tư liệu từ các báo và Internet. Hy vọng sẽ góp phần cho các bạn hiểu thêm về địa danh này và hứng thú hơn khi đến với Quy Nhơn!


Tham gia khám cùng 29HomestayQn nhé! Cảm ơn mọi người!



82 views0 comments

Recent Posts

See All

Comments


bottom of page